Khi xảy ra tranh chấp liên quan đến tên miền .VN mà tôi cho là thuộc về tôi, liên quan tới công việc, thương hiệu, sản phẩm của tôi bị người khác đăng ký sử dụng, tôi phải làm thế nào ?

Luật Công nghệ Thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006 của Quốc hội đã quy định về các hình thức giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” như sau:

1.Thông qua thương lượng, hòa giải
2.Thông qua Trọng tài
3.Khởi kiện tại Tòa án

Các căn cứ, hình thức giải quyết tranh chấp tên miền cũng được quy định chi tiết tại Thông tư số 10/2008/TT-BTTTT ngày 24/12/2008 của Bộ Thông tin và Truyền thông Quy định về giải quyết tranh chấp tên miền quốc gia Việt Nam ".vn".

Theo quy định, VNNIC không có thẩm quyền giải quyết các trường hợp phát sinh tranh chấp tên miền. Các bên liên quan phải thống nhất để lựa chọn các hình thức giải quyết tranh chấp tên miền.

Tuy nhiên xin lưu ý rằng: Như thông lệ chung quốc tế, việc đăng ký sử dụng tên miền được thực hiện theo nguyên tắc "Bình đẳng, không phân biệt đối xử"  và "Đăng ký trước được quyền sử dụng trước". Do vậy nếu đăng ký sau, trước hết bạn nên đăng ký một tên khác tương tự mà vẫn bảo toàn được yêu cầu của mình bằng cách thêm chữ gợi nhớ, thêm dấu gạch ngang (-) hoặc đăng ký dưới tên một nhóm khác vì không gian tên miền còn có nhiều lựa chọn để tránh xung đột trên mạng.

Ví dụ : ngoisaoso.com.vn có thể thêm là ngoi-sao-so.com.vn hoặc thanglong.biz.vn hay cty-ngoisaoso.com.vn v.v.