Đã có nhiều bài viết trên mạng cùng chủ đề này nhưng trong vai trò là một nhà cung cấp dịch vụ Web Hosting, chúng tôi chỉ đề cập đến những vẫn đề liên quan kỹ thuật và những điều chúng tôi cho rằng bạn nên hiểu rõ khi thuê dịch vụ Web Hosting.
Đa số công ty thiết kế website đều có dịch vụ trọn gói, tức là họ thiết kế website cho bạn và đặt (hosting) website cho bạn lên Internet luôn. Cái hay ở chỗ là bạn chỉ cần liên hệ một nơi khi thanh toán, có nhu cầu làm thêm hay website bị sự cố gì đó. Cái dở là bạn không biết họ đặt website ở đâu, dịch vụ máy chủ của họ có uy tín không. Hãy điểm danh các vấn đề sau:
Đặt website ở công ty khác thì bạn sẽ trở thành người đứng giữa, đôi khi bạn chẳng biết vì sao website của bạn không hoạt động, lý do và ai là người có trách nhiệm xử lý. Công ty Web Hosting thì bảo lỗi do mã nguồn, đơn vị thiết kế thì bảo lỗi do máy chủ. Mọi Công ty Web Hosting đều có thể làm việc thẳng Công ty thiết kế website để giải quyết trục trặc nhanh hơn, hãy ràng buộc chặt chẽ điều này trong hợp đồng.
Công nghệ (Technology), nền tảng (Framework) và hệ quản trị nội dung (Content Management System - CMS) là những cụm từ xa xỉ, là thứ mà hầu hết khách hàng không quan tâm lắm hoặc chỉ nghe đồn thổi từ bạn bè là Joomla rất tiện, ASP.NET thì mắc tiền và chạy chậm, PHP chạy nhanh... Chúng tôi khẳng định với bạn là, dùng cái gì cũng được, quan trọng là bạn sử dụng nó có tốt, có nhuần nhuyễn hay không.
Công nghệ tự tui là điều bạn hay nghe khi một công ty muốn vỗ ngực xưng tên. Chúng tôi không hiểu sao mà đa số lập trình viên từ khi mài đũng quần ở nhà trường luôn có suy nghĩ rằng cái mình làm ra sẽ dễ dùng (cho mình), còn cái người khác làm sẽ rất phức tạp để học cách dùng nó. Tư tưởng đó cũng thấm vào các công ty làm website nhỏ lẻ, họ làm ra website bề ngoài thì đẹp, nhưng bên trong (phần quản trị nội dung) 'hổng giống ai', thao tác phức tạp, ít chức năng, lúc cần phát triển thêm thì lại rất chắp vá... "Đứng trên vai người khổng lồ" ắt hẳn là điều bạn đã từng nghe, khi bạn không rành, hãy lựa chọn những đơn vị thiết kế website dựa trên những mã nguồn, công nghệ nền tảng nổi tiếng mà ít nhất bạn được nghe thấy.
Chúng tôi cho rằng bạn không cần quan tâm họ sử dụng cái gì, nhưng hãy điểm danh những vấn đề mấu chốt:
Thông thường thì chủ nhân website là người bị hại, là người đứng giữa lập trình viên và nhà cung cấp dịch vụ hosting (HP). Các HP uy tín thường thiết lập Server của họ rất tốt để đảm bảo phục vụ được cho nhiều đối tượng khách hàng. Việc thiết lập chặt chẽ đôi khi gây phiền hà cho lập trình viên vì không được tự do như ở máy tính của họ. Vì vậy họ thường yêu cầu HP điều chỉnh chế độ bảo mật để họ dễ cấu hình website hơn, điều này là hết sức sai lầm.
Khi một máy chủ của HP có lỗ hổng bảo mật, toàn bộ website trên đó sẽ bị hack, bị xóa, bị thay đổi chứ không chỉ riêng website của bạn. Vì vậy, HP tốt sẽ chứa website của bạn trong một ngăn ảo hóa, nếu website của bạn bị hack do có lỗ hổng bảo mật thì việc này chỉ ảnh hưởng trong phạm vi website của bạn thôi, chứ không bị lợi dụng để thay đổi các website khác. Nếu điều này không may xảy ra, người ta thường gọi nó là bị local hack, thật không may, việc này dẫn đến máy chủ sẽ bị dừng để cài đặt lại và bạn sẽ nhận thấy điều này dễ dàng.
Hãy để ý, dù máy tính của bạn dùng Windows XP, Windows 7, Linux hay MacOS bạn đều phải nâng cấp nó định kỳ, vá các lỗi bảo mật... website cũng thế. Thật không may là khi gia công xong website, lập trình viên sẽ đưa cho bạn và không còn nhớ đến nó. Bạn đâu có biết được lập trình viên sử dụng Module/Extension có bản quyền hay không, có tốt hay không, bạn càng không thể kiểm chứng từng dòng mã của họ để tìm ra lỗi. Sau một thời gian, một lỗ hổng bảo mật được phát hiện và... điều gì đến sẽ đến.
Chúng tôi không thể đưa cho bạn lời khuyên như thế nào, nhưng những gì chúng tôi đề cập ở trên hy vọng bạn sẽ nhận thức được tầm quan trọng trong việc lựa chọn lập trình viên, thuê đơn vị thiết kết website, ràng buộc hợp đồng như thế nào là tốt.
Mục lục bài viết